Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin: Vận động hơn 1,2 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin (CDDC/D) Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và xây dựng phương hướng năm 2012 (ảnh).


Trong năm 2011, hội đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm vận động nhân dân tham gia hỗ trợ nạn nhân nhiễm CDDC/D, qua đó vận động được hơn 1,2 tỷ đồng. Hội thường xuyên liên hệ với Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị nắm bắt số lượng cụ thể, trao tặng quà. Dịp tết năm 2011, Tỉnh hội đã hỗ trợ các nạn nhân số tiền hơn 66 triệu đồng, dịp 10-8-2011 hỗ trợ cho nạn nhân toàn tỉnh hơn 162 triệu đồng...
Năm 2012, hội sẽ tiếp tục kết hợp với các tổ chức tuyên truyền quảng cáo để kêu gọi sự đồng cảm, hỗ trợ của mọi người đối với nạn nhân CDDC/D; khai thác việc làm phù hợp giúp đỡ nạn nhân khó khăn có thu nhập ổn định; thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các nạn nhân CDDC/D; thành lập Quỹ Nạn nhân CDDC tỉnh.
THIÊN LÝ

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Hồ sơ: Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam



TTCT - Năm mươi năm sau ngày tổng thống Kennedy ký lệnh phát động chiến dịch rải chất độc da cam tại miền Nam Việt Nam, sử gia Mỹ David Zierler công bố hồ sơ chi tiết về hành trình 10 năm hủy diệt của loại chất độc này (1961-1970).
Cuốn sách Phát minh hủy diệt môi trường: Chất độc màu da cam, Việt Nam, và những nhà khoa học làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về môi trường (*) được đánh giá là một trong những tài liệu nghiên cứu giàu thông tin và toàn diện nhất về chất độc da cam cho đến nay.
Được sự đồng ý của tác giả, TTCT trích đăng trong hai kỳ một số nội dung của quyển sách.

Kỳ 1: Từ chất diệt cỏ đến vũ khí công nghệ

Trưởng khoa thực vật thuộc Đại học Chicago, GS Ezra E.J. Kraus, là nhà khoa học Mỹ đầu tiên nhận ra tiềm năng quân sự của hóa chất diệt cỏ ngay từ khi nước Mỹ bắt đầu tham dự Thế chiến thứ hai. Ngày 17-2-1942, ông đã trình bày một báo cáo về khả năng sử dụng các chất diệt cỏ như một loại vũ khí quân đội trong cuộc họp tối mật của Ban tư vấn chiến tranh Mỹ.
Thử nghiệm thành công từ Thế chiến thứ hai
Vào thời điểm đó, giới khoa học Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn khám phá tác động của các loại hóa chất này. Các dự án nghiên cứu trên diện rộng mà GS Kraus chủ trì được tiến hành trong thập niên 1940 đã kết hợp hai hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T (chiếm 50% trong hợp chất da cam) và thử nghiệm thành công trong môi trường giả lập chiến tranh. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã không sử dụng hợp chất mới phát minh này trong suốt Thế chiến thứ hai.
Khoảng mùa thu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) đã tiến gần đến thế lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Đứng trước khả năng thất bại trên mặt trận quân sự và ngoại giao ở nhiều nơi, đặc biệt là Cuba và Berlin, tổng thống Kennedy và nhóm cố vấn đối ngoại của mình bắt đầu tính đến việc phát động các chiến dịch quân sự công nghệ cao như một cách đối phó với sự mở rộng của khối các quốc gia cộng sản.
Các chất diệt cỏ do nhóm nghiên cứu của GS Kraus phát minh trong Thế chiến thứ hai trở thành vũ khí trọng tâm trong chiến lược chống chiến tranh du kích, với mục đích hủy hoại môi trường sống và nguồn lương thực của du kích MTDTGP trên toàn vùng nông thôn Nam bộ.
Ngày 26-4-1961, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Roswell L. Gilpatric trình lên tổng thống Kennedy một chương trình hành động, trong đó đề cập việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển đóng tại miền Nam Việt Nam, chịu trách nhiệm phát minh các kỹ thuật chống du kích, với lý do quân đội Mỹ thời đó không có đủ phương tiện theo dõi trên không để định vị lộ trình của du kích MTDTGP.
Hai tuần sau đó, chính phủ Ngô Đình Diệm thông qua kế hoạch này, và Cơ quan Dự án nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thành lập Trung tâm Thí nghiệm phát triển và chiến đấu (CDTC).
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của CDTC là tìm ra hợp chất hóa học để hủy hoại bề mặt rừng và các loại nông lương mà du kích MTDTGP tiêu thụ. Ở giai đoạn thử nghiệm, CDTC tiếp nhận lô hàng thiết bị và chất diệt cỏ đầu tiên vào ngày 10-7-1961. Sau đợt thử nghiệm thành công, giám đốc James W. Brown xác nhận hợp chất phát quang cây cỏ sẽ là thành tố chính trong chiến lược đối phó với chiến tranh du kích. “Không ai đánh giá cao lương thực và tầm nhìn bằng những kẻ bị mất hai thứ này” - ông nhấn mạnh.
Vỏ bọc của “chiến tranh diệt cỏ”
Ban đầu quân đội Mỹ dự kiến chỉ trang bị và huấn luyện cho lực lượng không quân Việt Nam cộng hòa (VNAF) tiến hành “chiến tranh diệt cỏ” (tạm dịch từ herbicidal warfare). Ngày 24-8-1961, tổng thống Diệm đích thân lựa chọn mục tiêu, và máy bay C-47 của VNAF tiến hành đợt rải hóa chất đầu tiên xuống vùng rừng miền Nam Việt Nam. Ông Diệm lập tức nhận ra sự lợi hại của loại hình chiến tranh này.
Trong buổi họp ngày 29-9 với đại sứ Mỹ Fredrick Nolting và trung tướng McGarr, tổng thống Diệm đề xuất tiến hành chiến dịch rải hóa chất trên diện rộng tại vùng cao nguyên Trung bộ để diệt nguồn lương thực mùa thu của du kích MTDTGP, nhưng không nhận được lời hứa hậu thuẫn chính thức từ phía Mỹ.
Tuy vậy, một tuần trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng soạn thảo một văn bản trong đó phác thảo kế hoạch cấp kỳ để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Diệm. Kế hoạch này bao gồm một loạt chiến dịch quân sự chống du kích mà nếu thành công sẽ loại bỏ khả năng quân đội Mỹ phải gửi quân tham chiến trực tiếp. Văn bản này ghi rõ bốn mục tiêu của chiến tranh diệt cỏ theo đề xuất của CDTC:
1. Phát quang vùng rừng biên giới Lào - Campuchia - Bắc Việt Nam để loại bỏ “vỏ bọc” bảo vệ quân MTDTGP.
2. Phát quang một phần vùng đồng bằng Mekong (vùng D) được coi là khu vực mà quân du kích MTDTGP có nhiều căn cứ.
3. Phát quang các vùng trồng sắn được coi là nguồn lương thực của du kích.
4. Phát quang các vùng rừng đước được coi là nơi du kích ẩn náu.
Chiến dịch rải hóa chất dự kiến sẽ chấm dứt trong vòng 120 ngày, tiến hành trên một diện tích rộng bằng một nửa miền Nam Việt Nam, với tổng ngân sách 55,9 triệu USD. Tuy cuối cùng đề xuất này đã được thay thế bằng một đề xuất khác của Đại sứ quán Mỹ tại miền Nam - cùng quy mô nhưng chi phí chỉ bằng 1/10, văn bản nói trên cho thấy bước chuyển quan trọng trong chính sách chiến tranh của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đánh dấu việc “Mỹ hóa” loại hình chiến tranh diệt cỏ.
Tháng 11-1961, quân đội Mỹ đã sẵn sàng vận chuyển hóa chất và thiết bị sang Việt Nam, chỉ còn chờ lệnh của tổng thống Kennedy. Vào thời điểm đó, tổng thống Mỹ đã nhận được đề xuất của ban cố vấn đối ngoại của chính phủ, trong đó có ngoại trưởng Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng McNamara.
Tuy cả hai đều thừa nhận loại hình chiến tranh này có thể gây tranh cãi, ngoại trưởng Rusk khẳng định các chiến dịch rải hóa chất không vi phạm luật quốc tế và “là một chiến lược chiến tranh có thể chấp nhận được”. Đồng thời, ông McNamara yêu cầu tổng thống Diệm tuyên bố chính thức rằng chất phát quang cây cỏ không gây nguy hại đến con người hay thú vật.
Ngày 30-11-1961, văn bản chính thức mở đường cho chiến tranh diệt cỏ tại Việt Nam được ban hành trong đó ghi rõ:
“Tổng thống (Kennedy) đã phê chuẩn đề xuất của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng về việc tham gia chương trình phối hợp rải hóa chất phát quang cây cỏ tại Việt Nam với quy mô chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ, bắt đầu bằng việc phát quang các tuyến đường trọng yếu và tiếp tục bằng việc tiêu diệt nguồn lương thực, tuy nhiên chỉ thực hiện khi đã thiết lập được nguồn lương thực thay thế và hoàn tất phần căn bản của tiến trình tái định cư. Không phê chuẩn việc rải hóa chất ở khu vực D và vùng biên giới cho đến khi quân đội xác lập được tính hiệu quả của việc này”.
Đầu tháng 12-1961, dưới sự dẫn dắt của Trung tâm không chiến đặc nhiệm thuộc Không lực Mỹ, máy bay vận chuyển C-123 cất cánh từ nhiều căn cứ quân đội Mỹ, khởi đầu chiến dịch Bàn tay nông trại được triển khai trên khoảng 10.000 hecta đất miền Nam Việt Nam.


Kỳ 2: Trận chiến trong lòng nước Mỹ
 
Xem hình

TTCT - Tháng 8-1962, Nhà Trắng phát tín hiệu về việc mở rộng chiến dịch Bàn tay nông trại từ giai đoạn thử nghiệm sang hoạt động quân sự thường xuyên nhằm hậu thuẫn chính quyền Sài Gòn.
Dưới thời tổng thống Lyndon B. Johnson, số phi vụ rải hóa chất ngày càng tăng cao, đặc biệt là giai đoạn 1966-1968. Tổng cộng trong suốt 10 năm, 5 triệu hecta đất trên toàn miền Nam, chiếm 12% diện tích Việt Nam, đã hứng chịu các loại hóa chất phát quang cây cỏ.
Dưới thời tổng thống Lyndon B. Johnson, số phi vụ rải hóa chất ngày càng tăng cao, đặc biệt là giai đoạn 1966-1968. Tổng cộng trong suốt 10 năm, 5 triệu hecta đất trên toàn miền Nam, chiếm 12% diện tích Việt Nam, đã hứng chịu các loại hóa chất phát quang cây cỏ.
Wilfred Burchett, một phóng viên Úc, là người đầu tiên công khai phản đối chiến tranh diệt cỏ của Mỹ trong bài viết mang tựa đề Miền Nam Việt Nam: cuộc chiến chống lại cây cỏ, đăng trên tờ Thời Đại Mới tại Liên Xô. Không lâu sau đó, nhiều chính khách Mỹ bắt đầu bày tỏ sự quan ngại của mình.
Giới khoa học phản đối mạnh mẽ
Hạ nghị sĩ bang Wisconsin Robert Kastenmeier gửi thư cho tổng thống Kennedy từ năm 1963 kêu gọi ngừng các đợt rải hóa chất tại Việt Nam vì lý do pháp lý và đạo đức. Hai tuần sau đó, tạp chí chính trị hàng đầu tại Mỹ, tờ Tân Cộng Hòa, đăng tải bài xã luận đầu tiên phản đối loại hình chiến tranh diệt cỏ. Động thái của Tân Cộng Hòa gây tác động lớn trong cộng đồng khoa học Mỹ.
Tháng 10-1964, tờ Bản tin của các nhà khoa học Mỹ, cơ quan phát ngôn của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), chính thức đăng bài kêu gọi Chính phủ Mỹ ngừng các đợt rải hóa chất: “...FAS thúc giục tổng thống tuyên bố chính sách cấm khai chiến bằng các loại vũ khí hóa sinh học, ngừng sản xuất các loại vũ khí sinh học, đồng thời ngưng phát triển các loại vũ khí mới”.
Một năm sau đó, Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS) bắt đầu tham gia cuộc chiến chống chiến tranh diệt cỏ. Tại buổi họp thường niên của AAAS năm 1965, tổ chức này công bố một nghị quyết mang tên Dàn xếp chiến tranh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Việc kéo dài chiến tranh Việt Nam đe dọa không chỉ sinh mạng của hàng triệu người mà còn hủy hoại các giá trị và mục tiêu nhân bản mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ...
Với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi có trách nhiệm phải chỉ rõ cái giá mà nghiên cứu khoa học đang phải gánh chịu vì chiến tranh. Khoa học không thể phồn thịnh, thậm chí có thể bị thiệt hại, trong một quốc gia ngày càng tăng cường nguồn lực cho các mục đích quân sự”.
Mùa hè năm 1966, giáo sư Bert Pfeiffer thuộc Đại học Montana, thành viên của AAAS, khởi đầu phong trào khoa học phản đối chiến dịch Bàn tay nông trại bằng việc soạn thảo một văn bản kêu gọi tiến hành điều tra tác động của hóa chất phát quang cây cỏ tại miền Nam Việt Nam.
Ban đầu, hội đồng điều hành của AAAS bác bỏ yêu cầu của giáo sư Pfeiffer về việc hiệp hội này tham gia trực tiếp quá trình điều tra. Tuy nhiên đến tháng 9-1967, chủ tịch AAAS Don Price đã gửi thư cho bộ trưởng quốc phòng McNamara đề xuất việc bộ này phê chuẩn và hỗ trợ một cơ quan khoa học độc lập tiến hành nghiên cứu những tác động ngắn và dài hạn của chất độc da cam.
Trước đó tháng 1-1966, 29 nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và các cơ quan giáo dục khác tại thành phố Boston đã gửi đến Nhà Trắng một thư ngỏ phản đối chiến tranh diệt cỏ và yêu cầu chấm dứt các hoạt động quân sự liên quan. Trong lá thư, nhóm các nhà khoa học này tuyên bố việc rải hóa chất tại miền Nam Việt Nam là “man rợ”, tương đương với “một cuộc tấn công vào toàn bộ cư dân tại vùng mà mùa màng bị tiêu diệt”.
Theo một văn bản trong hồ sơ Nhà Trắng, đích thân tổng thống Johnson ra lệnh cho bộ tham mưu của mình làm ngơ với thư ngỏ này. Lá thư nói trên chính là ý tưởng tiền thân cho cụm từ “tội ác môi trường” (ecocide) mà tiến sĩ Arthur Galston đặt ra sau này.
Tháng 9-1966, một nhóm gồm 12 nhà lý sinh học do tiến sĩ Galston dẫn đầu tiếp tục gửi một lá thư khác đến Nhà Trắng kêu gọi tổng thống Johnson ngừng rải hóa chất tại Việt Nam.
Trong thư, các nhà khoa học nhấn mạnh: “Một hóa chất được tạo ra để làm rụng lá cây cũng có thể gây ra tác động phụ đối với các loài cây cỏ khác, trong đó có cả vụ mùa... Do tính độc hại của một số hóa chất, không thể bảo đảm rằng hợp chất phát quang hoàn toàn không có ảnh hưởng độc hại đến con người và thú nuôi trong nhà... Sử dụng hợp chất phát quang cây cỏ một cách ồ ạt có thể làm phương hại đến hệ sinh thái của toàn vùng, thậm chí có thể đến mức thảm họa”.
Lá thư cũng đề cập tác hại của việc hủy hoại mùa màng đối với người dân vùng bị rải hóa chất, cụ thể là việc phụ nữ và trẻ em bị mất nguồn lương thực.
Hai tuần sau đó, tiến sĩ Galston nhận được hồi đáp của một trợ lý ngoại trưởng, khẳng định rằng những quan ngại khoa học đưa ra là không có cơ sở.
Ngay trong nội bộ AAAS, nhóm các nhà khoa học bày tỏ quan ngại về chất độc da cam cũng rơi vào tình trạng thiểu số. Một trưng cầu nội bộ của hiệp hội này tại thời điểm đó cho thấy 81% ủng hộ chiến dịch rải hóa chất của Chính phủ Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Viện Nghiên cứu trung tây (MRI) thuộc Đại học Kansas, cơ quan được Bộ Quốc phòng Mỹ giao hợp đồng tiến hành đánh giá tác động của chất độc da cam, kết thúc chương trình nghiên cứu vào tháng 12-1967 với kết luận chung rằng chiến dịch Bàn tay nông trại chỉ là phần mở rộng quân sự của các hoạt động phát quang cây cỏ thông thường, và chỉ có tác động lên cây cỏ “tương đương với việc phát quang rừng bỏ hoang”.
Những bằng chứng đánh động dư luận
Ngày 19-7-1968, ban giám đốc AAAS công bố tuyên ngôn trên tạp chí Khoa Học, kêu gọi tiến hành gấp rút các cuộc nghiên cứu dài hạn tại hiện trường miền Nam Việt Nam, yêu cầu quân đội Mỹ công khai tài liệu cho các cơ quan nghiên cứu độc lập, và kêu gọi Liên Hiệp Quốc dẫn đầu một đoàn nghiên cứu đến Việt Nam.
Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu này. Tuy nhiên, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Charles Bohlen lại bày tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với quan điểm của AAAS. Dưới áp lực của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc nhượng bộ vào tháng 10-1968.
Tháng 8-1970, hai giáo sư Mỹ Bert Pfeiffer và Gordon Orians tiến hành đợt khảo sát đầu tiên trong vòng hai tuần tại miền Nam Việt Nam. Báo cáo của chuyến khảo sát này, đăng trên bản tin của Tổ chức vì trách nhiệm xã hội của khoa học (SSRS), ghi nhận sự thiếu vắng rõ ràng của chim chóc và các loài động vật hoang dã tại các vùng bị rải hóa chất, và sự khác biệt của chất lượng rừng phụ thuộc vào mức độ rải hóa chất - ở những vùng rừng bị rải nhiều đợt, các loại hạt và giống cây yếu chết hàng loạt trên diện tích rộng hàng trăm hecta.
Sinh thái của những vùng lân cận cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những vùng rừng cao su vốn nằm ngoài danh sách mục tiêu rải hóa chất trực tiếp.
Trước đó năm 1969, William Haseltine, sinh viên ngành sinh học tại Đại học Harvard, tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan chức Chính phủ Mỹ đang giấu thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất 2,4,5-T (một thành phần trong hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài chuột.
Haseltine cho biết phản ứng của ông lúc đó là: “Nếu loại chất này gây dị tật cho chuột sơ sinh, hẳn cũng phải có tác động xấu đối với con người. Công bố thông tin này chắc hẳn có thể giúp ngăn chặn được việc sử dụng chất độc da cam”.
Tháng 1-1970, Haseltine công bố thông tin này trên tạp chí Tân Cộng Hòa trong bài báo đồng tác giả với giáo sư Galston và một sinh viên Đại học Yale tên Robert Cook. Bài báo gây chấn động mạnh mẽ trong xã hội Mỹ.
Tháng 4-1970, Chính phủ Mỹ bắt đầu những nỗ lực tránh cho con người không phải tiếp xúc với chất 2,4,5-T ở cả hai phía Mỹ và miền Nam Việt Nam. Bộ trưởng các bộ nông nghiệp, nội vụ, y tế, giáo dục và phúc lợi Mỹ đồng loạt công bố quyết định ngừng tức thì việc sử dụng hóa chất này trong mọi hoạt động liên quan đến tiêu thụ của con người.
Cũng trong tháng 4-1970, thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Packard cuối cùng đã hạ lệnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất độc da cam “cho đến khi kết thúc quá trình đánh giá tình hình (ảnh hưởng của chất này)”. 

------------------------
(*): The invention of ecocide: Agent Orange, Vietnam, and the scientists who changed the way we think about the environment (NXB Đại học Georgia phát hành ngày 1-5-2011)
CAM LY lược dịch ( Tuổi trẻ cuối tuần)

Bản đồ phun rải chất độc hóa học


Chung tay xoa dịu Nỗi đau da cam (soạn tin DACAM gửi 1409)



LỜI KÊU GỌI CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN VIỆT NAM LẦN THỨ II

Hà Nội, CHXHCNVN, ngày 9/8/2011
Hội nghị Nạn nhân Chất độc Da cam Làn thứ 2 đã được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 8-9 tháng 8 năm 2011 với sự tham gia của các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, gồm các nạn nhân Chất Da cam, nạn nhân của các chất độc hoá học khác, các nhà khoa học, các luật sư, các nhà hoạt động xã hội. Hội nghị là một mốc lịch sử có ý nghĩa và quan trọng, đánh dấu 50 năm ngày quân đội Mỹ lần đầu tiên rải chất độc hóa học xuống Việt Nam (1961-1971) tại Việt Nam và Đông Dương.
Các đại biểu hội nghị thấy rằng:
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, các lực lượng Hoa Kỳ trong chiến dịch Ranch Hand đã rải xuống Nam Việt Nam gần 80 triệu lít chất diệt cỏ trong đó 61% là Chất Da cam có chứa ít nhất 366kg dioxin là chất độc hại nhất mà con người biết được
Từ sau Hội nghị Quốc tế Nạn nhân Chất độc da cam lần thứ nhất năm 2006, công chúng đã có nhận thức nhiều hơn về hiểm hoạ Chất Da cam/dioxin đối với con người và môi trường. Có thêm nhiều bệnh tật do Chất Da cam đã được nhận biết. Cùng với nhân dân Việt Nam, còn có thêm nhiều người khác trên thế giới cũng đã trở thành nạn nhân của loại vũ khí giết người hàng loạt này, Binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Tân Tây Lan đã bị phơi nhiễm trong thời gian tham chiến ở Việt Nam và nay con cháu họ cũng đang đau đớn. Nhân dân sống ở Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Puerto Rico và nhiều nơi khác, cũng bị phơi nhiễm do họ đã sống ở gần hoặc lao công trong khu vực mà quân đội Mỹ, tàng trữ, chôn lấp, sản xuất và tiến hành thí nghiệm chất này để phục vụ cho chiến tranh ở Việt Nam.
Nạn nhân Da cam, do tác hại của dioxin đến các hệ thống nội tiết, hệ thống miễn dịch và hệ thống sinh sản, thường mắc rất nhiều chứng bệnh cùng một lúc. Một số bệnh rất nhanh chóng trở nên hiểm nghèo và một số khác làm cho nạn nhân phải sống trong đau khổ cùng cực. Với những bệnh tật đó, nhiều người mất đi những quyền con người cơ bản nhất – đặc biệt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Do không thể lao động trong khi phải chi nhiều tiền cho thuốc men nên phần lớn nạn nhân Chất Da cam ở đâu cũng nghèo khổ. Tuy nhiên, vì người ta cố ý sử dụng chất da cam chống lại người Việt Nam cho nên các nạn nhân chất da cam Việt Nam phải chịu nhiều đau khổ nhất, 4.8 triệu người bị rải trực tiếp, nhiều lần trong một thời gian dài và bị phơi nhiễm qua nhiều nguốn nhất. Tỉ lệ người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em những người dễ chịu ảnh hưởng của dioxin nhất đặc biệt cao ở Việt Nam. Tại Việt Nam, rất nhiều trẻ em vẫn tiếp tục ra đời với những dị tật bẩm sinh do Chất Da cam. Nay thế hệ thứ 4 đã xuất hiện. Do tính chất nguy hiểm đó, nhiều phụ nữ mất đi quyền làm mẹ. Đối với Việt Nam, Chất Da cam không chỉ tàn phá con người và tàn phá môi trường trong chiến tranh mà còn tiếp tục tàn phá sau chiến tranh. Dioxin đổ xuống đất, tiếp tục tàn phá môi trường và con người trong và xung quanh nhiều “điểm nóng”. Với gần 3 triệu hécta rừng bị tàn phá trong chiến tranh, nhất là ở những vùng ven sông, ven biển, không chỉ môi trường Việt Nam, Lào, Cămpuchia mà cả môi trường trong khu vực. Nó đã và tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng cho nhân dân nhiều nơi trên thế giới.
Việc sử dụng Chất Da cam trong chiến tranh Việt Nam là một tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Hậu quả của hành động đó có thể tồn tại qua nhiều thế hệ. Chúng thách thức chúng ta phải làm sao để chấm dứt việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học và bất cứ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác, tại bất cứ nơi nào trên thế giới hiện nay.
Mối quan tâm của nhân loại về tác hại của chiến tranh hoá học, về mối đe doạ của các tai nạn tại các nhà máy sản xuất hoá học và thảm hoạ môi trường đang bao trùm do các hoạt đông sinh hoá học ngày càng tăng. Nỗi đau của những người phơi nhiễm Chất Da cam đã trở thành trung tâm điểm của mối quan tâm đó và vì vậy sự đoàn kết quốc tế với cuộc đấu tranh vì công lý của nạn nhân Chất Da cam đang ngày càng tăng.
HÃY HÀNH ĐỘNG
Do vậy các đại biểu Hội nghị kêu gọi hãy hành động:
1. Đoàn kết
Tất cả các nạn nhân Chất Da cam bất kể quốc tịch nào, hoặc hoàn cảnh phơi nhiễm ra sao hãy đoàn kết chặt chẽ hơn để cùng phấn đấu cho lợi ích chung. Hơn nữa, phải đoàn kết với các nạn nhân của các loại vũ khí giết người hàng loạt khác như nguyên tử, chất uranium làm nghèo để tất cả các nạn nhân và những người ủng hộ họ hãy nỗ lực cùng nhau trên tinh thần đoàn kết, thống nhất hành động. Chỉ có như vậy, cuộc đấu tranh của chúng ta mới thực sự có hiệu quả và thành công.
2. Tổ chức
Nhân loại toàn thế giới, các chính phủ, các tổ chức, các cá nhân, dù ở trong cương vị xã hội hay chính trị nào, hãy hành động ngay để ủng hộ các nạn nhân Da cam, đặc biệt nhấn mạnh sự giúp đỡ cho các nạn nhân ở Việt Nam. Tại mỗi nước, mỗi vùng, hãy lập ra các tổ chức, xây dựng các chương trình cụ thể để vận động các nguồn vật chất dưới bất cứ hình thức nào, và có tiếng nói ở bất cứ diễn đàn nào để ủng hộ nạn nhân Chất Da cam Việt Nam đòi công lý.
3. Nghiên cứu và khắc phục hậu quả

Các nhà khoa học, trong đó có các các chuyên gia y tế và môi trường, đặc biệt của Hoa Kỳ, hãy dành nhiều công sức hơn nữa cho các công trình nghiên cứu về các nguy hại cụ thể của Chất Da cam/dioxin đối với sức khoẻ và môi trường và khả năng khắc phục hậu quả. Yêu cầu này rất cấp bách không chỉ để giúp các nạn nhân, những người thời gian sống còn lại đang vơi dần, mà còn để cho thế hệ tương lai có thể tránh được những tai hoạ tương tự.
4. Liên hiệp quốc cấm vũ khí và tội ác chiến tranh
Cộng đồng thế giới nói chung, Liên hiệp quốc và từng chính phủ nói riêng, nhanh chóng đề ra các biện pháp mới, có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa mọi hành vi vi phạm luật pháp quốc tế cấm tội ác chiến tranh, và tội ác chống nhân loại.

5. Chính phủ và các công ty hóa chất hoa kỳ phải chấp nhận trách nhiệm
Chính phủ và các nhà sản xuất Chất Da cam Hoa Kỳ đặc biệt Monsanto và Dow Chemical phải chấp nhận trách nhiệm và có nhiều nỗ lực, đầy đủ hơn để cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam thanh khiết những “điểm nóng" còn tồn tại, giúp đỡ toàn diện và có ý nghĩa cho nạn nhân Chất Da cam và gia đình họ ở Việt Nam một cách thực tế và hiệu quả. Vì rất ít trong số các khoản tiền mà Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi thực sự đến với các nạn nhân, những quỹ dành cho nạn nhân phải giao cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam như VAVA để đảm bảo đến với những người đang cần đến sự giúp đỡ nhất. Nhu cầu về bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh và nhà an dưỡng cho nạn nhân và cha mẹ họ là rất lớn – Nhiều nạn nhân yêu cầu liên tục 24 giờ được chăm sóc và cha mẹn già cả của họ đang chăm sóc họ cũng có những nhu cầu đó.
6. Công khai những địa điểm có chất da cam
Chính phủ Hoa Kỳ và tất cả các chính phủ đã cho phép sử dụng Chất Da cam trong những năm chiến tranh Việt Nam vì bất cứ mục đích gì, phải nhanh chóng công bố tất cả những nơi Chất Da cam đã được sử dụng, chôn cất hoặc tháo đổ trước đây .
7. Cùng với Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Việt Nam là tổ chức đại diện về pháp lý và đạo lý của các nạn nhân Chất Da cam Việt Nam. Hội đã hoạt động với tư cách là một tổ chức phi chính phủ đại diện quyền lợi cho tất cả nạn nhân trên toàn Việt Nam. Để nghe được tiếng nói của nạn nhân và giúp đỡ họ một cách hiệu quả và cụ thể, tất cả những ai có thiện chí hãy liên hệ và làm việc với VAVA và giúp tổ chức này về chương trình và vật chất thông qua trang web www.vava.org.vn

Nay, 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Chất Da cam được sử dụng lần đầu tiên ở Việt Nam, các đại biểu Hội nghị một lần nữa tuyên bố rằng nhu cầu của các nạn nhân là rất cấp bách, cần phải có hành động tức thì! Một nửa thế kỷ đã là quá lâu để chờ đợi cho công lý được thực thi!
Chúng ta hãy cùng nhau đảm bảo rằng công lý đang bị trì hoãn sẽ không thành công lý bị chối từ!

Báo cáo của Ban Thường vụ Trung ương Hội

Báo cáo của Ban Thường vụ Trung ương Hội về Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011, phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2012 tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Hội (ngày 13-14/12/2011).
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011, phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2012

----------------

Năm 2011 là năm Đại hội Đảng lần thứ XI và bầu cử Quốc hội Khoá XIII, lãnh đạo nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương có thay đổi. Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục được cải thiện, nhưng còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân. Năm 2011 cũng là tròn 50 năm Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh hoá học ở Việt Nam. Công tác của Hội tập trung vào tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân và xây dựng Hội.

Thường vụ xin báo cáo BCHTW Hội kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2012 như sau:

Phần I: KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2011

I. KẾT QUẢ TỔ CHỨC KỶ NIỆM 50 NĂM THẢM HOẠ DA CAM.

1. Về công tác tổ chức:

Trên cơ sở xem xét tình hình và nhu cầu thực tiễn, từ giữa năm 2010 Trung ương Hội đã chủ động đề nghị Đảng và Nhà nước cho tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam. Ngày 6/1/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 409 nhất trí về chủ trương tổ chức hoạt động này. Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hướng dẫn Hội phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện Thông báo của Ban Bí thư. Thường trực TW Hội đã xác định đây là nhiệm vụ trung tâm đột xuất, trọng điểm của công tác hội năm 2011.
 
a)- Nội dung các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam:

Việc kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam được thực hiện với nhiều nội dung, trong đó có những nội dung chính là:  

- Tuyên truyền sâu rộng trong và ngoài nước về hậu quả của việc Mỹ sử dụng chất độc da cam ở Việt Nam; về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc khắc phục hậu quả đó; về sự ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân và nỗ lực vượt qua khó khăn của các nạn nhân. 

- Phát động Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam". Kêu gọi tăng cường giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

- Tổ chức Cuộc vận động Sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam.

- Tổ chức Hội nghị Điển hình tiên tiến ở Trung ương và các địa phương nêu những gương điển hình trong nỗ lực vươn lên của các nạn nhân; trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; trong xây dựng hội và tiến hành các mặt công tác hội.

- Tổ chức Hội nghị quốc tế các nạn nhân chất độc da cam để đánh giá sâu sắc hơn mức độ nguy hiểm của chất độc da cam và những hậu quả mà nhân dân ta phải gánh chịu và để tăng cường tình đoàn kết giữa các nạn nhân các nước, động viên sự ủng hộ của nhân dân các nước đối với các nạn nhân.

 - Mít - tinh kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam.

  b)- Triển khai thực hiện:

- Trung ương Hội đã tiến hành nhiều bước chuẩn bị để thực hiện đề án  được duyệt như: thông báo cho UBND các tỉnh/thành về Thông báo 409 của Ban Bí thư để phối hợp; hướng dẫn các tỉnh/thành Hội tổ chức thực hiện; bàn phối hợp hoạt động với nhiều cơ quan liên quan ở Trung ương …

Sau khi được hướng dẫn, các tỉnh, thành Hội đã chủ động liên hệ và tích cực dựa vào cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở địa phương để triển khai thực hiện Thông báo của Ban Bí thư. 41 tỉnh/thành ủy hoặc UBND tỉnh/thành đã có công văn lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ở địa phương mình.

- Trong quá trình tổ chức các hoạt động, Trung ương Hội cũng như các cấp hội địa phương đã bám sát mục đích, yêu cầu đã được xác định. Việc lựa chọn các hoạt động và xác định qui mô từng hoạt động được thực hiện theo đúng tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả các ngày kỷ niệm, quán triệt tinh thần tiết kiệm, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế. 

- Các hoạt động đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành; giữa trong nước và ngoài nước:

  + Ở Trung ương, đã phối hợp tốt giữa Trung ương Hội với UBTW- MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN, UBND TP Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hà Nội. 

  + Ở địa phương, các tỉnh, thành Hội đã tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các doanh nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, nhất là Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... Nhiều nơi, UBND, hoặc MTTQ tỉnh trực tiếp chủ trì một số hoạt động lớn như: mít tinh, phát động phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam.

   + Ở nước ngoài, Hội đã dựa vào các cơ quan đại diện của Việt Nam và các tổ chức đã có quan hệ với Hội để tổ chức tuyên truyền, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

 2. Đánh giá kết quả tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam: 

Việc kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam là một chủ trương đúng đắn, do vậy được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo cũng như của quần chúng và đã đạt được mục tiêu đề ra:

- Các hoạt động kỷ niệm đã là dịp để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng và toàn thể cộng đồng đánh giá lại một cách toàn diện mức độ ảnh hưởng của chất độc da cam đối với môi trường sống và sức khoẻ của con người; từ đó thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc khắc phục các hậu quả đó. 

- Nhiều hoạt động ở Trung ương cũng như ở các địa phương đã được sự quan tâm hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; thu hút được sự tham gia của đông đảo công chúng. Nhiều hoạt động có tác dụng tốt động viên nạn nhân, động viên tinh thần đoàn kết phối hợp giúp đỡ nạn nhân, nâng cao vị thế của Hội, góp phần củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước khác như: các hoạt động tuyên truyền trong và ngoài nước, Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”; Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ hai với chủ đề: "Vì nạn nhân chất da cam và vì tương lai nhân loại"; mít - tinh kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam; Hội nghị Điển hình tiên tiến kết hợp đón nhận Bức trướng mang dòng chữ: "Đoàn kết- Nghĩa tình- Trách nhiệm -Vì nạn nhân chất độc da cam" của Ban Bí thư và Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng cho Hội, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhiều tỉnh/thành hội, cùng nhiều phần thưởng cao quí của các tỉnh uỷ, UBND tỉnh và của Hội tặng cho các tỉnh/thành hội… 

 - Các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam đã đạt được mục tiêu tuyên truyền, vận động bà con người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện của Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam đang học tập, lao động, sinh sống ở hàng chục nước trên thế giới đã quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam được trên 3,5 tỷ đồng. Đại sứ Trung Quốc, Đại sứ quán Vê-nê-xu-ê-la, Hội Cựu chiến binh thương tật vì chất độc da cam của Hàn Quốc và nhiều bạn quốc tế đã ủng hộ tiền cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong dịp này. Đại hội lần thứ 14 Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la đã ra tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đòi Chính phủ Mỹ bồi thường thiệt hại cho họ. Tổng Bí thư Đảng Lao động Mê-hi-cô gửi tặng 120 chiếc xe lăn; Nhóm nghị sĩ Mê-hi-cô – Việt Nam ra tuyên bố ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã mời Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam sang dự Hội nghị thường niên Ban Thường vụ của Hội để thông qua nghị quyết về ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bạn bè quốc tế đã tham gia nhiều hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam do người Việt Nam ở các nước tổ chức, trong đó riêng ông Da-kha-ri-ép Giéc-man, Giám đốc điều hành khu chợ Xa-đa-vốt ở Mát-xcơ-va đã ủng hộ 18.000 USD.

- Các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam đã bảo đảm tốt an ninh, an toàn, mặc dù diễn ra ở nhiều nơi, trong thời gian dài, nhưng không xảy ra sơ suất ảnh hưởng đến các vấn đề đối nội và quan hệ đối ngoại.

3. Những điểm cần rút kinh nghiệm:

- Quá trình chuẩn bị đề án tổ chức hoạt động còn kéo dài, vì vậy thời gian triển khai thực hiện bị rút ngắn, nhất là đối với các địa phương. 

- Việc hướng dẫn, theo dõi tình hình tổ chức các hoạt động ở các địa phương chưa sát. Có nơi có khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ thích đáng. 16 tỉnh chỉ tổ chức được ở cấp huyện; 8 tỉnh chỉ tổ chức được ở cấp xã.

- Công tác phối hợp với một số cơ quan truyền thông (Đài Truyền hình Trung ương, một số báo…) chưa chặt; vì vậy một số hoạt động không được phản ánh đầy đủ.
 
 II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ CỦA HỘI:

  Để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, năm qua Trung ương Hội đã chỉ đạo tập trung vào khâu vận động thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân và xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân, đồng thời tiếp tục làm tốt các mặt công tác khác:

1. Về vận động thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân:

 - Thường trực Trung ương Hội đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Uỷ ban Trung ương MTTQVN về việc phối hợp kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước chú trọng bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và UBTW-MTTQVN đều nhất trí phải coi trọng vấn đề này và yêu cầu các cơ quan chức năng trao đổi cụ thể với VAVA để đề xuất biện pháp giải quyết.

 - Trung ương Hội cũng đã tổ chức nhiều buổi trao đổi với Cục Người có công - Bộ LĐ-TB-XH, Cục Chính sách-Bộ Quốc phòng và Hội Cựu Chiến binh để tìm cách thúc đẩy việc thực hiện chế độ, chính sách đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Các cấp hội ở các địa phương cũng đã tích cực dựa vào cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chế độ chính sách đối với nạn nhân. 

 - Mặc dù đã có nhiều cố gắng như trên, nhưng việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Cho đến nay, mới chỉ có gần 200.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng trợ cấp. Đây là một tồn tại, đòi hỏi Hội phải tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tìm cách giải quyết, vì còn nhiều người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chưa được hưởng trợ cấp, trong khi đa số đã ở tuổi ngoài 60.
 
2. Về xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng, dạy nghề:

 - Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội đã chủ động xúc tiến việc xây dựng 3 trung tâm nuôi dưỡng ở 3 miền đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, trong đó trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh và trung tâm ở Đà Nẵng đã được cấp đất; trung tâm đặt tại Hà Nội đã được Bộ Quốc phòng đồng ý cho đất. 

 - Trung ương Hội cũng đã gửi các tỉnh/thành hội thông báo chủ trương hỗ trợ kinh phí xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân ở các tỉnh/thành. Nhiều tỉnh/thành hội đã chủ động tìm nguồn kinh phí và phối hợp với ngành LĐ-TB-XH để xây dựng, vận hành các trung tâm. Đến nay một số trung tâm đã đi vào hoạt động. 

 - Về xây dựng trung tâm tẩy độc cho nạn nhân, ngày 11/01/2011, Thái Bình đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm tẩy độc tố từ cơ thể con người, sau đó đã nâng cấp, lắp đặt thêm 3 buồng xông hơi, nâng công suất lên 2,5 lần, cùng một lúc có thể tiến hành tẩy độc cho 60 người, đồng thời cải tạo khu làm việc của y, bác sĩ, khu nghỉ dưỡng, nhà ăn, sân bãi tập thể dục, thể thao cho nạn nhân. Đến nay, Trung tâm đã tẩy độc cho hơn 200 người. Kết quả tương đối khả quan. Sức khoẻ bệnh nhân sau khi tham gia chương trình tẩy độc được cải thiện rõ rệt. Theo đề nghị của Trung ương Hội, Bộ Quốc phòng đang triển khai xây dựng 2 trung tâm tẩy độc theo mô hình của Thái Bình ở Bệnh viện 103 và 175. Một số địa phương cũng đang nghiên cứu mô hình này.

Nhìn chung, trong năm 2011, công tác xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân được coi trọng và đẩy mạnh hơn, nhưng tiến độ thực hiện mục tiêu xây dựng 55 trung tâm còn chậm. Nguyên nhân khách quan là khó khăn trong việc xin đất và khả năng duy trì hoạt động lâu dài của Trung tâm. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cũng cần phải có quyết tâm và năng động hơn nữa.
 
3. Công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học: 

 - Nhằm mục đích nắm chắc số lượng người bị hậu quả chất độc da cam/dioxin, số người đã được công nhận và hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và hoàn cảnh kinh tế của gia đình nạn nhân..., năm 2011 Trung ương Hội đã quyết định thí điểm khảo sát, thống kê số người bị hậu quả chất độc hoá học/dioxin tại Ninh Bình và Tây Ninh. 

 Thành hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức điều tra khảo sát nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại huyện điểm Củ Chi, quận Thủ Đức,  huyện Cần giờ, các quận 1,2, 3, 4 , 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Chánh, Gò Vấp.... Thành hội Hà nội tổ chức rà soát lại danh sách nạn nhân chất dộc da cam/dioxin theo địa giới hành chính mới, đặc biệt là các xã sáp nhập từ tỉnh Hoà Bình; đồng thời bước đầu điều tra khảo sát nạn nhân thế hệ thứ 3 (F2).

 - Trung ương Hội đã tham gia Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (Chương trình Hành động quốc gia) "Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với môi trường và sức khoẻ con người", trực tiếp chủ trì thực hiện Đề tài "Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện". 

 4. Công tác tài chính, vận động, quản lý và sử dụng quỹ:

 a)- Công tác tài chính:

 - Năm 2011, hầu hết các tỉnh/thành hội đã được địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động. Tổng kinh phí do ngân sách địa phương hỗ trợ cho các tỉnh/thành hội là 17,384 tỷ đồng. Mức hỗ trợ cho mỗi tỉnh/thành hội cao hơn  năm trước. Các đơn vị đã làm tốt công tác quản lý, bảo đảm chi đúng nội dung, dự toán đã được duyệt, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thanh, quyết toán.

 - Ở Trung ương Hội, đã hoàn thành quyết toán chi ngân sách năm 2010; đã đăng ký tiết kiệm chi 10 % ngân sách chi năm 2011 theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; tham gia ký hợp đồng và bảo đảm kinh phí cho các địa phương được phân công làm hồ sơ nạn nhân năm 2011; nghiệm thu hợp đồng hồ sơ nạn nhân với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga và đã trả 70% kinh phí theo hợp đồng; bảo đảm cấp kinh phí đúng qui định cho các hoạt động ở Trung ương Hội.

 b)- Công tác vận động, quản lý và sử dụng quỹ:

Kết quả vận động quỹ năm 2011:
- Tổng số thu                                        : 113.463 triệu đồng.    
Trong đó: 
   + Trung ương Hội :   14.628 triệu đồng
   + Các Hội địa phương :   98.835 triệu đồng
- Tổng số chi:                                :   62.514 triệu đồng
Trong đó: 
 + Trợ cấp làm nhà (50 triệu x 300 nhà)  : 15.004 triệu đồng
 + Xây dựng cơ sở bán trú (08 địa phương) : 11.156 triệu đồng
 + Cấp học bổng (3 triệu x 487 suất) :   1.463 triệu đồng
 + Trợ cấp tìm việc làm (5 triệu x 174 suất) :      870 triệu đồng
 + Quà Tết Âm lịch (300.000đ x 35.916 suất) : 10.775 triệu đồng
 + Trợ cấp 10/8/10 (300.000đ x 37.570 suất)  : 11.271 triệu đồng
 + Trợ cấp khác (bão lụt, ốm đau…) : 11.975 triệu đồng

- Ngoài số thu và chi bằng tiền nêu trên, tổng số thu, chi bằng hiện vật và đầu tư trực tiếp trong năm là: 28.973 triệu đồng. Trong đó: làm nhà 3.287 triệu đồng; xây dựng trung tâm: 5.800 triệu đồng; trao học bổng: 226 triệu đồng; trợ cấp tìm việc làm: 491triệu; chi khác: 19.169 triệu đồng.

- Như vậy, tính đến tháng 10 năm 2011, công tác vận động quỹ đã đạt và vượt chỉ tiêu tài chính của đợt I. Cụ thể:
+ Thu vận động Quỹ 06 tháng cuối năm 2009:   34.802 triệu đồng
+ Thu vận động Quỹ năm 2010  :   68.114 triệu đồng
+ Thu vận động Quỹ 10 tháng năm 2011  : 142.436 triệu đồng
 Tổng cộng  : 245.352 triệu đồng

- Như vậy so với mục tiêu đề ra cho Đợt I là 63,8 tỷ, thì số tiền vận động được đã vượt 284,5 %. Song công tác quản lý, sử dụng vận động được vẫn còn phân tán, chưa tập trung cho các mục tiêu chính của cuộc vận động. Cụ thể:

+ Trong tổng số chi 10 tháng đầu năm 2011 là 62.514 triệu đồng, phần chi cho 04 mục tiêu chính của cuộc vận động chỉ có 28.493 triệu đồng, bằng 45,5% tổng số chi. Phần chi cho lễ, tết và chi khác chiếm 34.021 triệu đồng, bằng 54,5% tổng số chi.

+ Cũng do sử dụng phân tán nguồn quỹ nên mục tiêu tài chính của cuộc vận động đã đạt và vượt chỉ tiêu đợt I đề ra nhưng một số mục tiêu về số lượng chưa đạt:
   Xây dựng Trung tâm bán trú chỉ được :      10/55 cơ sở
   Trợ cấp học bổng đạt (437+190+216)             :    843/1.100 suất

5- Công tác đối ngoại:

Ngoài các hoạt động đối ngoại trong dịp kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam, năm 2011 nhiều hoạt động khác cũng đã được đẩy mạnh:
 
- Hội đã bước đầu thực hiện mở rộng quan hệ đối ngoại bằng các chuyến đi thăm và làm việc của lãnh đạo Hội ở Cam-pu-chia, Pa-na-ma, Cô-xta Ri-ca, tham dự cuộc họp của Thường vụ Hội luật gia dân chủ quốc tế và tổ chức tiếp xúc chính thức lần đầu tiên với sứ quán Mỹ ở Việt Nam.
 
Trong năm, Trung ương Hội đã tiếp khoảng 40 đoàn khách nước ngoài; các địa phương tiếp trên 100 đoàn (riêng Đà Nẵng: 50 - 60  đoàn, HCMC: gần 20 đoàn). 
 
- Trung ương Hội đã tích cực động viên bạn bè và các tổ chức ở Mỹ thúc đẩy các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Quốc hội Mỹ. Ngày 25/7, Hạ Nghị sĩ Bob Filner, đã trình Hạ viện Dự luật HR-2634, theo đó Bộ Ngoại giao Mỹ phải đề xuất việc hỗ trợ y tế, giảm bớt khó khăn về nhà ở  cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tiếp tục các chương trình tẩy độc các điểm nóng ở Việt Nam. Đến nay, dự luật này đã có 8 người đồng bảo trợ, đã được đưa ra xem xét ở 6 cơ quan thuộc Hạ viện Mỹ.  

 - Hội đã chú trọng thúc đẩy công tác tuyên truyền đối ngoại bằng việc phát hành nhiều ấn phẩm đưa ra nước ngoài tuyên truyền. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam, Trung ương Hội và các tỉnh/thành hội đã có nhiều  buổi thông báo tình hình, trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài. 

Hội cũng đã tranh thủ các diễn đàn, hội thảo quốc tế ở trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Nhìn chung, hoạt động đối ngoại năm 2011 đã được đẩy mạnh và có một bước phát triển mới, tạo điều kiện để mở rộng các hoạt động vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. 
 
6- Công tác đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân:

Thực hiện yêu cầu tiếp tục vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ theo tinh thần Thông báo Kết luận số 292 ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trung ương Hội đã xây dựng đề án trình Ban Chỉ đạo Vụ kiện của Chính phủ và xúc tiến nhiều bước chuẩn bị để tiếp tục vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ, nhằm huy động dư luận trong và ngoài nước gây sức ép đòi Mỹ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh hoá học do họ gây ra.
 
Ngoài những hoạt động nêu trên, trong năm qua các cấp hội, nhất là cấp tỉnh và huyện, đã có nhiều cố gắng chủ động, sáng tạo tìm biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Nhiều sáng kiến, nhiều hình thức  rất đáng được nêu như việc hỗ trợ các gia đình nạn nhân nuôi nhím, nuôi thỏ ở Chư Sê- Gia Lai, việc xây dựng trường mẫu giáo cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Nam, chương trình phẫu thuật tim cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam bị bệnh tim bẩm sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, việc tổ chức thi các tác phẩm viết về đề tài chất độc da cam ở Đồng Nai v.v… 

III. CÔNG TÁC XÂY DỰNG HỘI: 

1- Công tác tổ chức:

 - Công tác tổ chức năm 2011 tập trung vào việc kiện toàn hệ thống tổ chức của Hội ở các cấp, nhất là việc thành lập hội ở huyện, xã; kết nạp hội viên, tình nguyên viên, cộng tác viên. Đến tháng 1/9/2011, đã có 465 hội cấp huyện (tăng 66 huyện, đạt 70,45 % so với tổng số huyện, quận), 4451 hội cấp xã (tăng 834 xã, đạt 42,66 % so với tổng số) và 230.288 hội viên (tăng 49.531 hội viên).

 - Hội cũng đã chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ, năng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội các cấp. Nhằm mục đích này, nhiều tỉnh/thành hội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kiến thức, nội dung, kỹ năng cho cán bộ hội. Trung ương Hội đã biên soạn tài liệu và tham gia tập huấn, bồi dưỡng cán bộ ở các tỉnh, thành Hội Hà Nội, Bắc Giang, Cà Mau, Nghệ An...

 - Các tổ chức hội tiếp tục phối hợp triển khai quán triệt Thông báo Kết luận số 292 của Ban Bí thư ở các địa phương và vận động thực hiện Quyết định 68 ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hội có tính chất đặc thù. Các tỉnh/thành hội cũng đã làm thủ tục trình Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế và thực hiện chế độ thù lao cho người nghỉ hưu làm lãnh đạo chuyên trách. 

Công tác phát triển Hội trong năm qua tiếp tục được thúc đẩy, nhưng cũng còn nhìêu khó khăn, nhất là do thiếu cán bộ (nhiều người vẫn phải kiêm nhiệm, trong đó có cả chủ tịch hội một số tỉnh), nhiều cán bộ đã lớn tuổi, sức khoẻ yếu. Việc triển khai thực hiện Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ và những văn bản liên quan cũng có nhiều khó khăn. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay mới có 32/58 tỉnh/thành hội được công nhận là hội có tính chất đặc thù, 03/ 58 tỉnh hội được giao biên chế và thực hiện chế độ thù lao. 

Việc tổ chức Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng tiến triển chậm, do quy định phải có 500 triệu đồng ban đầu là đối ứng và do thiếu cán bộ làm quản lý.

2- Công tác thi đua:

Phong trào thi đua "Vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" năm 2011, gắn với các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam, đặc biệt là cuộc vận động "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, đã được tiến hành sôi nổi cả ở trong và ngoài nước, đem lại kết quả tích cực cho công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong phong trào thi đua này. Một số kết quả cụ thể:

a) - Về công tác tuyên truyền: 
Nhiều tỉnh, thành hội làm tốt công tác tuyên truyền như: Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cà Mau, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Tiền Giang, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tây Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, An Giang, Cao Bằng, Bình Dương, Phú Thọ, Nghệ An, Hải Dương, Nam Định...

b) - Về công tác xây dựng Hội: Tính đến ngày 1/9/2011
- 17 tỉnh, thành hội đã vận động được nhiều người tham gia hội, đó là: Ninh Bình, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nghệ An (trên 6.000); Thanh Hóa, Hải Phòng, Tiền Giang (trên 7.000); Bến Tre, Hà Tĩnh (trên 8.000); Nam Định (9.840), Thái Nguyên (10.594), Bắc Giang (11.762), Hà Nội (15.032), Thái Bình (20.093).
- Có 6 tỉnh, thành hội có nhiều hội cấp huyện, quận: Đắk Lắk (15), Quảng Nam (16), Gia Lai (16), Nghệ An (20), Hà Nội (22), Thanh Hóa (26).
- Có 13 tỉnh, thành hội có nhiều hội cấp xã, phường: Quảng Nam (113), Quảng Ngãi (129), Tiền Giang (138), Ninh Bình (139), Nghệ An (172), Thái Nguyên (181), Hải Phòng (194), Hà Tĩnh (200), Bắc Giang (214), Nam Định (227), Hà Nội (217), Thái Bình (286) và Thanh Hóa (471).

c) - Về công tác vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân: 
 Có 33 đơn vị vận động được từ 01 tỉ đồng trở lên (kể cả tiền mặt và hiện vật qui thành tiền), trong đó có:
- 12 đơn vị đạt từ 01 tỉ đồng đến dưới 2 tỉ đồng
- 7 đơn vị đạt từ 2 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng
- 15 đơn vị đạt  từ 3 tỉ đồng trở lên: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Tiền Giang, Quảng Ngãi (trên 3 tỉ đồng), Bắc Giang, Hải Phòng (trên 4 tỉ đồng), Hà Nội, Cà Mau, Đồng Nai, Hà Tĩnh (trên 5 tỉ đồng), Thái Nguyên (6,1 tỉ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (7,7 tỉ đồng), Quảng Nam (12,2 tỉ đồng), TW Hội (14,6 tỉ đồng), Thái Bình (17 tỉ đồng).
 - 17 hội vận động đạt dưới 01 tỉ đồng, trong đó 12 hội chỉ đạt dưới 500 triệu đồng.

d)- Về sử dụng quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân: 
- Có 26 đơn vị đã sử dụng 01 tỉ đồng trở lên cho công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, trong đó có 11 đơn vị đạt từ 01 tỉ đồng đến dưới 02 tỉ đồng; 15 đơn vị đạt từ 02 tỉ đồng trở lên: Quảng Ngãi, Bến Tre, Quảng Nam (trên 2 tỉ đồng), Tây Ninh (2,1), Bắc Giang (2,3), Quảng Ninh (2,4), Đà Nẵng (2,8), Tiền Giang (3,3), Thái Bình (3,5), TW Hội (3,9), Hải Phòng (4,00), Hà Nội (4,4), Cà Mau (5,00), Hà Tĩnh (5,6), Bà Rịa - Vũng Tàu, (6,9 tỉ đồng),.
- Có 23 hội sử dụng dưới 1 tỷ đồng cho công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, trong đó có 14 hội đạt dưới 500 triệu đồng.
- Có 11 hội tỉnh, thành dẫn đầu về vận động nguồn lực đạt từ 3 tỉ đồng trở lên và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đạt 2 tỉ đồng trở lên, đó là: Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Cà Mau, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Tiền Giang, Đà Nẵng.
 
3- Công tác phối hợp, hiệp đồng trong Hội:

Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa Trung ương Hội và các tỉnh/thành hội được duy trì tương đối tốt. Trung ương Hội đã chú trọng cử cán bộ đi  địa phương nắm tình hình và tham gia một số hoạt động; nhiều địa phương đã duy trì đều chế độ báo cáo về Trung ương Hội. Tuy nhiên, cũng còn một số tỉnh/thành hội chưa chú ý thực hiện chế độ này.

Công tác thông tin trong Hội cũng đã có một bước tiến. Một số tỉnh hội đã tích cực tham gia viết tin, bài cho Trang Web của Hội. Hội cũng đã bắt đầu phát hành Bản tin nội bộ (từ tháng 8/2011). 

 IV- ĐÁNH GIÁ CHUNG:

  Năm 2011, Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam, đồng thời đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân: công tác vận động thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân và xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân được chú trọng, đẩy mạnh hơn; quyên góp vận động ủng hộ nạn nhân được nhiều hơn; công tác nghiên cứu khoa học và công tác đối ngoại có nhiều kết quả thiết thực; phong trào thi đua thu hút được nhiều người tham gia, tổ chức Hội tiếp tục phát triển.

 Những thành tích đạt được trong năm qua đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hội. Hội đã được Đảng, Nhà nước tin cậy và tạo điều kiện tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ.

 Tuy nhiên, các mặt công tác của Hội cũng còn một số tồn tại đòi hỏi toàn Hội phải cố gắng nhiều hơn để khắc phục, nhất là:

 - Việc triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân còn tiến triển chậm.

 - Công tác phát triển hội viên chưa đạt được kết quả mong muốn.

 - Phong trào thi đua chưa đồng đều; hoạt động của một số tổ chức hội chưa mạnh. 

Những tồn tại nêu trên có nguyên nhân khách quan như: xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân là một việc khó, nhất là khả năng duy trì hoạt động của các trung tâm này; kinh phí được cấp hạn hẹp, không thể bảo đảm đầy đủ cho các hoạt động của Hội; cán bộ thiếu, nhiều người vẫn phải kiêm nhiệm; sự quan tâm của địa phương chưa cao…Tuy nhiên, yếu tố chủ quan cũng rất quan trọng, nhất là nhiệt tình, tính năng động của cán bộ phụ trách.
 
 
Phần Hai: PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2012

Năm 2012 là năm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại hội II của Hội. Công tác của Hội có nhiều thuận lợi do được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện; được các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế ủng hộ nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn đối với Hội còn rất nhiều, nhất là điều kiện sống của các nạn nhân và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Hội, đặc biệt ở cấp huyện, xã, phường. Trong hoàn cảnh như trên, chúng ta cần tập trung làm tốt hơn một số việc sau:
 
1- Tập trung kiến nghị lãnh đạo, vận động các cơ quan chức năng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với những người có công bị nhiễm chất độc hoá học và gia đình họ, coi đây là ưu tiên để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân. Kiến nghị sớm ban hành tiêu chí nạn nhân chất độc da cam. Kiến nghị và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh nhất tình trạng ngưng đọng, ách tắc hồ sơ xin hưởng chế độ chính sách hiện nay. Tiếp tục vận động từng bước hoàn chỉnh và thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam nói chung.

2- Phấn đấu sử dụng triệt để nguồn vốn đã có, tích cực vận động tăng thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu xây dựng 55 trung tâm bán trú cho nạn nhân. Chú trọng phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành LĐ-TB-XH, giáo dục đào tạo…để đảm bảo duy trì tốt hoạt động của các trung tâm này. Phối hợp với Bệnh viện 103 và 175 của Quân đội xây dựng 2 trung tâm tẩy độc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Xúc tiến làm dự án xây dựng các Trung tâm miền Trung (Đà Nẵng), Trung tâm ở miền Bắc (Hà Nội) và miền Nam trình Chính phủ phê duyệt theo mô hình Nhà nươc và nhân dân cùng làm. 

3- Tiếp tục phát triển tổ chức hội ở cấp huyện va cấp xã, nhưng đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội. Tiếp tục chú trọng phát triển hội viên. Củng cố khâu phối hợp, hiệp đồng giữa các cấp của Hội, trước hết là thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định đã có. Phát huy tác dụng, hiệu quả của việc liên kết với các tổ chức Hội Cựu chiến binh, hội Cựu thanh niên xung phong và Hội Chữ thập đỏ. Phát hành đều Bản tin của Hội. Nghiên cứu khả năng xây dựng Cổng thông tin điện tử của Hội.

4- Triển khai các công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ III của Hội vào năm 2013; tiến hành đại hội ở các tỉnh, huyện, xã đến hạn; chú trọng khâu chuẩn bị nhân sự.

5- Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam" với những nội dung và mục tiêu thiết thực phục vụ nạn nhân. Phối hợp với UBTW-MTTQVN tổng kết Cuộc vận động "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" vào dịp 10/8 theo chỉ đạo của Ban Bí thư. Hoàn thành việc xây dựng qui chế khen thưởng. Tích cực hưởng ứng Cuộc Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

6- Mở rộng địa bàn tiến hành điều tra, khảo sát về nạn nhân chất độc da cam. Thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã được giao. 

7- Tiếp tục mở rộng quan hệ và đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại. Chú trọng phối hợp với các tổ chức bạn bè ở các nước, nhất là Mỹ, phát triển lực lượng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong trí thức, thanh niên, nghị sĩ và Việt kiều. Mở rộng tiếp xúc với sứ quán và Bộ Ngoại giao Mỹ.  

8- Làm tốt các công việc chuẩn bị để xúc tiến vụ kiện mới các công ty hoá chất Mỹ như lựa chọn nguyên đơn, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, trao đổi thống nhất với các luật sư Mỹ về nội dung đơn kiện, sách lược tiến hành vụ kiện. Phối hợp thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật HR 2634.

 TM. THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG HỘI
                CHỦ TỊCH HỘI
         Nguyễn Văn Rinh (đã ký)